EU đứng trước sức ép ghi nhận nhôm là nguyên liệu thô chiến lược

(KTSG Online) – Các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), do Pháp và Đức dẫn đầu đang thúc đẩy khối này đưa nhôm vào danh sách nguyên liệu thô “chiến lược”. Điều đó sẽ giúp các dự án liên quan đến nhôm trong khu vực được cấp phép nhanh hơn và có khả năng tiếp cận tài chính rộng hơn.

Nhôm thỏi tại nhà máy luyện nhôm Aluminium Dunkerque ở Loon-Plage, Pháp. Ảnh: Reuters

Các sửa đổi mà Pháp và Đức đang đề xuất đối với với dự thảo Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của EU (CMRA) sẽ bổ sung bauxite (quặng nhôm), alumina (nhôm oxit) và aluminium (nhôm) vào danh sách ưu tiên. Nhôm được sử dụng trong mọi thứ từ lon thiếc đến tấm pin mặt trời. Bằng cách liệt kê nhôm là nguyên liệu thô “chiến lược”, EU sẽ thúc đẩy đẩy nhanh các quy trình cấp phép cho các nhà máy luyện nhôm và dự án khai thác bauxite.

Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã công bố dự thảo của CMRA như một phần trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế và sản xuất nhiều nguyên liệu thô cần thiết hơn ở EU nhằm giảm phụ thuộc vào các đối thủ như Trung Quốc.

Đề xuất bổ sung bauxite, alumina và aluminium vào danh sách nguyên liệu thô chiến lược được đưa ra khi các nước thành viên EU đang đàm phán cách sử dụng CMRA để hỗ trợ các ngành công nghiệp ở nước của họ.

Pháp, Đức, Hy Lạp và Slovenia nằm trong số những nước ủng hộ đề xuất này, các nguồn tin ngoại giao cho biết. Một nhà ngoại giao cho hay đề xuất sẽ phục vụ cho lợi ích chính sách công nghiệp của Pháp và Đức.

Một nhà ngoại giao khác cũng ủng hộ đề xuất này, cho rằng các vật liệu như bauxite, alumina và aluminium rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, đồng thời lưu ý thêm EU “phụ thuộc rất nhiều vào bauxite nhập khẩu”.

Việc bổ sung nhôm vào CMRA thể kích hoạt thêm các đề xuất mở rộng danh sách nguyên liệu thô chiến lược. Ba Lan đang thúc đẩy việc đưa than cốc, được sử dụng trong sản xuất thép, vào CMRA nhưng không được nhiều nước thành viên EU ủng hộ.

Các tổ chức thương mại trong ngành công nghiệp nhôm cũng đã vận động hành lang để EU đưa nhôm vào CMRA. Theo đó, kim loại này rất quan trọng đối với các tấm pin mặt trời, tuốc-bin gió và công nghệ lưới điện đồng thời cảnh báo sự phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc, nước chiếm hơn một nửa nguồn cung nhôm toàn cầu.

Giá nhôm biến động mạnh trong năm 2022 do nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu sau cuộc chiến ở Ukraine. Theo European Aluminium, một tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp châu Âu, quá trình luyện nhôm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Vì vậy, khi giá khí đốt tăng mạnh hồi năm ngoái, hàng loạt nhà nhà máy luyện nhôm đóng cửa, dẫn đến sản lượng của châu Âu giảm 50%.

Nếu đề xuất bổ sung nhôm vào CMRA được chấp nhận, ngành công nghiệp nhôm của châu Âu sẽ được hưởng lợi từ việc rút ngắn thời gian cấp phép  xuống còn 24 tháng đối với dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina, và xuống còn 12 tháng đối với dự án chế biến nhôm.

Khi một nguyên liệu thô được xem là “chiến lược”, EU sẽ phải tăng cường khai thác nguyên liệu này trong khối lên 10% lượng tiêu thụ đồng thời nâng chế biến trong khối lên 40% lượng tiêu thụ. Các nước thành viên EU đang muốn nâng tỷ lệ chế biến nguyên liệu thô chiến lược trong khối lên 50% và nâng mục tiêu tái chế đối với các nguyên liệu chiến lược từ 15 lên 20%.

EC dự báo nhu cầu đối với các kim loại khác, chẳng hạn như lithium, sẽ tăng nhanh hơn nhiều. Đó là một trong lý do khiến Brussels không đưa nhôm vào dự thảo ban đầu của CMRA.

“Mọi người nhận thấy rằng việc tiếp cận nguồn nhôm an toàn và đa dạng không quan trọng bằng các nguyên liệu khác, chẳng hạn như lithium cho pin lithium-ion”, EC cho biết.

Theo một nghiên cứu của Đại học Leuven (Bỉ), nhu cầu nhôm toàn cầu sẽ tăng 43% trong giai đoạn 2020-2050. Nhu cầu đồng sẽ tăng 51%, trong khi nhu cầu lithium sẽ tăng 2.109% trong cùng kỳ. Danh sách cuối cùng về các nguyên liệu thô chiến lược trong CMRA sẽ được đàm phán giữa các nước thành viên, EC và Nghị viện châu Âu.

Theo Financial Times